Giới thiệu chung

Thực hiện Nghị định số 46/2002/NĐ-CP ngày 19/4/2002 của Chính phủ về việc chia tách địa giới hành chính, thị trấn Bình Dương được thành lập. Ngay sau khi thành lập, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải có tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền để lãnh đạo nhân dân thị trấn thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương, nhiệm vụ đề ra. 
Thị trấn Bình Dương nằm về phía Bắc, cách trung tâm huyện lỵ 15km theo trục đường Quốc lộ 1A, có giới cận phía Đông giáp xã Mỹ Lợi, phía Tây giáp xã Mỹ Lộc, phía Nam và Đông Nam giáp xã Mỹ Phong, phía Bắc giáp các xã Mỹ Lộc và Mỹ Châu. Có vị trí địa lý nằm trong phạm vi tọa độ 14017’47” vĩ độ Bắc và 109004’53” kinh độ Đông. 
Trên địa bàn thị trấn không có sông ngòi lớn, chỉ có các con suối nhỏ phát sinh từ cánh đồng phía Tây giáp xã Mỹ Lộc chạy qua cống Bà Hàn (Quốc lộ 1A) chảy về hướng Đông, vào mùa mưa bão nước từ trên núi cao chảy về đầm Trà Ổ ít gây ngập lụt cho các cánh đồng lúa, hoa màu của địa phương. Phần lớn đất đai là đất đồi, khô cằn, đất đỏ lẫn đá sỏi, đá ong chỉ trồng được các loại cây công nghiệp và ít loại hoa màu khác.
Thị trấn Bình Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới duyên hải Nam Trung Bộ, hàng năm chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa nắng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, độ ẩm trung bình cả năm là 86%, lượng mưa trung bình cả năm 3.423mm, số giờ nắng trung bình cả năm là 1.996 giờ.
Về giao thông, thị trấn Bình Dương có vị trí thuận lợi, phương tiện giao thông thông suốt, gần đường sắt, có quốc lộ 1A và tỉnh lộ 632 chạy qua, xe đi vào trong Nam ra ngoài phía Bắc, nhân dân từ các xã phía Tây xuống, các xã vùng ven biển lên. Đường giao thông nối liền Quốc lộ 1A từ ngã ba Bình Dương đi các xã Mỹ Lộc, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Phong và các xã phía Nam huyện Phù Mỹ,... Cầu cống được xây sửa kiên cố, các con đường nối liền các khu phố được mở rộng, bê tông hóa thuận tiện cho giao thông và đi lại của bà con nhân dân.
Ngày 19/4/2002, Chính phủ ra Nghị định số 46/2002/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập một số xã, thị trấn thuộc các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, tỉnh Bình Định. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, thôn Dương Liễu của xã Mỹ Lợi được tách ra thành lập thị trấn Bình Dương gồm 4 thôn: Dương Liễu Đông, Dương Liễu Tây, Dương Liễu Nam, Dương Liễu Bắc với diện tích tự nhiên 392 ha và 5.420 nhân khẩu.
Theo thống kê năm 2010, tổng diện tích tự nhiên của thị trấn là 399,2 ha, trong đó diện tích đất canh tác là 259 ha, có 6.332 nhân khẩu với 42,1% dân số sống bằng nghề nông; có 01 cụm công nghiệp, 02 Trường trung học phổ thông đóng trên địa bàn, 01 Trường trung học cơ sở, 01 Trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, 04 Trường mẫu giáo thôn, 01 Trường mầm non bán công, 01 Phòng khám đa khoa khu vực và 01 Trạm y tế đạt chuẩn. Tổng số cán bộ, công chức thị trấn trong định biên là 19. Trong đó, cán bộ chuyên trách là 11 người, công chức là 08 người. Số lượng cán bộ, công chức của thị trấn đảm bảo bố trí đúng, đủ theo quy định, 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn và trên chuẩn.
    Ngày 19/7/2018, theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định nhất trí chuyển 4 thôn thuộc thị trấn Bình Dương thành khu phố trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giới cận của các thôn hiện có. Khu phố Dương Liễu Tây có 2.200 nhân khẩu với 680 hộ dân, diện tích tự nhiên 104,11 ha, phía Bắc giáp khu phố Dương Liễu Bắc, phía Nam giáp khu phố Dương Liễu Nam, phía Đông giáp khu phố Dương Liễu Đông và phía Tây giáp xã Mỹ Lộc. Khu phố Dương Liễu Đông có 1.336 nhân khẩu với 320 hộ dân, diện tích tự nhiên 76,28 ha, phía Bắc giáp khu phố Dương Liễu Bắc, phía Nam giáp khu phố Dương Liễu Nam, phía Đông giáp xã Mỹ Lợi, phía Tây giáp khu phố Dương Liễu Tây. Khu phố Dương Liễu Nam có 1.850 nhân khẩu với 360 hộ dân, diện tích tự nhiên 129,09 ha, phía Bắc giáp khu phố Dương Liễu Tây, phía Nam giáp xã Mỹ Phong, phía Đông giáp khu phố Dương Liễu Đông, phía Tây giáp xã Mỹ Lộc. Khu phố Dương Liễu Bắc có 1.732 nhân khẩu với 285 hộ dân, diện tích tự nhiên 141,11 ha, phía Bắc giáp xã Mỹ Châu, phía Nam giáp khu phố Dương Liễu Tây, phía Đông giáp xã Mỹ Lợi, phía Tây giáp xã Mỹ Lộc. Theo kết quả đo đạc năm 2020, diện tích tự nhiên của thị trấn là 450,5 ha và dân số 7.658 nhân khẩu.
    Mặc dù, mới chỉ được thành lập 20 năm (2002 – 2022) nhưng thị trấn Bình Dương đã có kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển nhanh chóng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Về kinh tế, thị trấn Bình Dương chủ yếu phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Nhân dân chủ yếu tham gia lao động sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp thuộc cụm công nghiệp Bình Dương, một bộ phận người dân sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp như làm bún song thằn, đan lát… hay buôn bán, sửa chữa máy móc, cơ khí… dọc trục đường quốc lộ 1A.
Ngoài ra, một bộ phận người dân tham gia sản xuất nông nghiệp, trồng cây lương thực, các loại cây ăn trái như dừa, xoài, chanh, quýt, ổi, mít, chuối, thơm trên diện tích đất gò đồi, đất bồi ven suối. 
Trước đây, các nghề thủ công truyền thống như: trồng bông kéo sợi, dệt vải, đan bao lát, ép dầu dừa, nấu dầu dừa, dầu phụng, đập xơ dừa, đan võng dừa, đánh dây thừng, thảm chùi chân, đan rổ rá,... khá phát triển. 
Ngày nay với cơ chế thị trường và nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, chính quyền đã nâng cấp, mở rộng chợ thị trấn để đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân địa phương và các xã lân cận trong huyện. 
Về văn hóa xã hội, lịch sử tồn tại và phát triển trên vùng đất thị trấn Bình Dương qua nhiều thế kỷ là quá trình cộng đồng dân cư làng, xã gắn kết nhau, cùng nhau cải tạo thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ cuộc sống bình yên của quê hương, bảo vệ thành quả lao động gian khổ để không ngừng vươn lên đến ngày nay. Đó là quá trình hun đúc, rèn luyện nhân cách, đức tính cần cù, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, coi trọng đạo lý, vun đắp tình làng nghĩa xóm, gắn bó với từng ngọn núi, con suối, cây cầu, cái đập nước, những làng nghề,... Tất cả những yếu tố ấy kết tinh lại thành tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước và dệt nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây, thủy chung, trong sáng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nhân dân thị trấn Bình Dương qua nhiều thế hệ luôn kế thừa truyền thống tốt đẹp của ông cha, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong làng, trong họ, tinh thần bảo vệ thuần phong mỹ tục, là nếp sống trọng nghĩa khinh tài, thủy chung son sắt. Đặc biệt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, những người có công với làng, với nước… Những tình cảm tốt đẹp ấy được thể hiện rõ nét trong những ngày Tết cổ truyền, ngày giỗ, chạp mã.
Từ xa xưa, nhân dân địa phương rất ưa chuộng các loại hình văn hóa - nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian mang đặc trưng văn hóa của nhân dân địa phương như hát bội, hô bài chòi, hát đối đáp, hát hò khoan, hát ghẹo, hát ru con. Trò chơi dân gian như đánh bài chòi, đấu võ, đá gà ngày Tết. Đặc biệt, nhân dân Mỹ Lợi trong đó có Bình Dương sau này rất say mê hát bội, đã có một thời thu hút mọi tầng lớp nhân dân từ quan lại, chức sắc, từ kẻ giàu sang đến người dân lao động. Các cuộc hát bội thường được tổ chức vào những ngày lễ tết ở đình, chùa, tết thanh minh hoặc tế ông bà, tổ phụ ở tư gia, những vở tuồng được chọn thường có nội dung thích hợp để phục vụ. Các thể loại văn hóa dân gian mang tính giáo dục được nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy và kế thừa có chọn lọc. Nhìn chung, những loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian đều toát lên tinh thần đoàn kết gắn bó, mang nặng tình làng, nghĩa xóm, ca ngợi công lao trời biển của tổ tiên, ông bà đối với các thế hệ cháu con, ca ngợi những người có công đánh kẻ thù phương Bắc, ca ngợi tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa.
Giáo dục, thời phong kiến, ở địa phương chỉ có một số gia đình khá giả mới có điều kiện cho con em đi học, còn đa số nhân dân mù chữ. Mặc dù, thời bấy giờ việc thi cử hết sức hà khắc nhưng ở địa phương vẫn có những tấm gương hiếu học, thi đỗ tú tài. Đặc biệt, còn có nhiều người học hết tứ thư ngũ kinh không theo đuổi chốn quan trường mà làm nghề dạy học, thầy thuốc, thầy kiện.
    Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như cả nước, tại địa phương chữ Quốc ngữ được sử dụng phổ biến, đại đa số con em địa phương được học hành và nhiều người đỗ đạt cao, mang tài sức ra phục vụ quê hương, đất nước.
Về tôn giáo, trước khi có Đảng, nhân dân địa phương bị trói buộc trong vòng lễ giáo phong kiến suốt nhiều thế kỷ “Tam cương, ngũ thường” của Nho giáo, “Từ bi, bác ái” của Phật giáo đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân dân ta. Giai cấp thống trị, trực tiếp là địa chủ, cường hào chủ yếu dựa vào Nho giáo làm cho nhân dân lao động yên chịu một bề để chúng thống trị. Luật lệ phong kiến được chúng thi hành nghiêm ngặt, hà khắc, tinh thần dân chủ ít được khơi dậy và phát huy vì đó chỉ là ý muốn của giai cấp thống trị, còn trong nhân dân vẫn đón nhận ảnh hưởng của cả Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Tất cả các tôn giáo đều được người dân địa phương tiếp thu, dung hòa theo nhu cầu tâm lý, tín ngưỡng của mình.
Trên địa bàn thị trấn, từ xưa người dân đã quyên góp tiền bạc xây dựng chùa chiền thờ phật như chùa Dương Chi, chùa Long Hoa, chùa Tùng Vân…để cầu mong an lạc, yên vui. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, các tín đồ Phật giáo đã đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, chùa chiền là cơ sở mật nuôi dấu cán bộ cách mạng, một bộ phận người dân trên địa bàn thị trấn Bình Dương theo đạo Thiên chúa giáo, đại đa số giáo dân có lòng yêu nước, tham gia đóng góp phục vụ sự nghiệp giải phóng quê hương.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây